Trong xã hội ngày nay, rất nhiều người muốn lập di chúc để định đoạt tài sản của mình sau khi mình mất. Tuy nhiên, người dân vẫn còn nhiều thắc mắc liên quan đến hình thức của di chúc. Liệu rằng lập di chúc có cần thiết phải có chữ ký của những người được thừa kế, hay có cần thiết phải đến Văn phòng công chứng để lập di chúc hay không? Tất cả những vấn đề đó sẽ được Văn phòng luật sư Thái Trí giúp người đọc hiểu rõ thông qua bài viết này.
1. Người lập di chúc được quyền định đoạt tài sản của mình mà không cần chữ ký hay sự đồng ý của người nhận thừa kế.
Điều 624 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”. Theo đó, người lập di chúc không cần thiết phải báo việc lập di chúc cho người nhà hay người nhận thừa kế. Đây cũng là một điểm đáng được lưu ý, vì nhiều người không muốn người nhà biết được nội dung di chúc khi họ vẫn còn sống, tránh tạo ra những xung đột mâu thuẫn không đáng có. Họ hoàn toàn có thể tìm cách lập di chúc trong bí mật, giao cho một người công bố di chúc khi họ mất. Bằng cách này, di chúc sẽ chỉ được công bố khi người lập di chúc đã mất.
2. Hình thức của di chúc:
Điều 627 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hình thức của di chúc như sau: “Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng”.
Như vậy, di chúc có 02 hình thức: Bằng văn bản và bằng miệng.
Di chúc bằng miệng: Theo Điều 629 Bộ luật dân sự 2015, di chúc bằng miệng chỉ được lập trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản. Thứ 2 là sau 03 tháng kể từ thời điểm lập di chúc bằng miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ. Di chúc miệng chỉ được xem là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
Di chúc bằng văn bản: Di chúc bằng văn bản bao gồm 04 loại:
Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng. Điều 633 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định đối với di chúc bằng văn bản không có người làm chứng, người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc.
Di chúc bằng văn bản có người làm chứng. Theo quy định pháp luật, trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự minh đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng , những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.
Di chúc có công chứng hoặc chứng thực là di chúc được lập tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã theo thủ tục pháp luật quy định.
Ngoài các yêu cầu về hình thức, di chúc hợp pháp cần đáp ứng các yêu cầu về mặt nội dung và năng lực pháp luật của chủ thể lập di chúc. Vì vậy, để đảm bảo di chúc hợp pháp, người dân nên tìm đến tư vấn ở những cơ sở pháp luật uy tín.
NẾU CÓ VƯỚNG MẮC VỀ PHÁP LÝ HÃY GỌI CHO CHÚNG TÔI – TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Điện thoại: 0896.853.579 – 0909.807.369
Số 5 (5/1) Đường Nguyễn Du, Phường Quang Vinh, Tp.Biên Hòa, Đồng Nai (Đối diện cổng Tòa án nhân dân TP. Biên Hòa).
Số 468 đường Phùng Hưng, Kp.Long Đức 3, P.Tam Phước, Biên Hòa, Đồng Nai
Tổ 5, KP.Thiên Bình, P.Tam phước, TP Biên Hòa, Đồng Nai