Mạng xã hội Việt những ngày này đang dậy sóng với sự xuất hiện của Doanh nhân N.P.H. Hàng loạt vụ việc lùm xùm được khơi nguồn từ livestream của bà Hằng dường như không có hồi kết. Một sự kiện mới gây chú ý với cộng đồng mạng, bà L.T.G đã khởi kiện bà N.P.H tới TAND Quận 1 TP. HCM để yêu cầu bà N.P.H bồi thường 1000 tỷ đồng về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín và thương hiệu sản phẩm, đồng thời gỡ bỏ toàn bộ các video nói xấu.
Cụ thể, báo VOV đưa tin: “Theo bà Giàu, trong buổi livestream ngày 14/5, bà Nguyễn Phương Hằng đã xúc phạm danh dự, uy tín khi bịa đặt, vu khống bà, cho rằng thùng tiền công đức của chùa Bửu Chánh do bà Giàu quản lý; bà Giàu là doanh nhân siêu lừa đảo, hung dữ; mua tượng phật và hoa không trả tiền; bà Giàu giật tiền của nhiều người 5 – 10 năm không trả…và các thương hiệu mì Lá bồ đề, dầu Nhị thiên đường… của bà G là đồ giả.”
Nhìn nhận vấn đề dưới góc độ pháp lý, liệu yêu cầu của bà L.T.G có được Tòa án chấp nhận? Sau đây là một vài phân tích của Luật Sao Việt về vụ việc nêu trên:
Thứ nhất, về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 584 Bộ luật dân sự 2015, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Đối chiếu theo quy định nêu trên, trách nhiềm bồi thường đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín chỉ đặt ra khi đáp ứng hai điều kiện:
– Có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín : Mặc dù hiện nay trong Luật và các văn bản hướng dẫn chưa quy định cụ thể về những hành vi được xem là hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín nhưng chúng ta có thể hiểu nôm na là những lời nói, hành động nhằm hạ thấp danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác
– Có thiệt hại thực tế xảy ra
– Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín với thiệt hại xảy ra.
Thứ hai, về mức bồi thường thiệt hại:
Việc xác định thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 592 BLDS 2015 và Mục 3 Phần 2 Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự về Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo đó, xác định thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
- a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại: chi phí cần thiết cho việc thu hồi ấn phẩm có nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị thiệt hại; chi phí cho việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm; tiền tàu, xe đi lại, thuê nhà trọ (nếu có) theo giá trung bình ở địa phương nơi thực hiện việc chi phí để yêu cầu cơ quan chức năng xác minh sự việc, cải chính trên các phương tiện thông tin đại chúng; chi phí tổ chức xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị thiệt hại và các chi phí thực tế, cần thiết khác để hạn chế, khắc phục thiệt hại (nếu có).
- b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút: Nếu trước khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, người bị xâm phạm có thu nhập thực tế, nhưng do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm người bị xâm phạm phải thực hiện những công việc để hạn chế, khắc phục thiệt hại, nên khoản thu nhập thực tế của họ bị mất hoặc bị giảm sút, thì họ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đó.
- c) Thiệt hại khác do luật quy định.
Đồng thời, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào hình thức xâm phạm (bằng lời nói hay đăng trên báo viết hay báo hình….), hành vi xâm phạm, mức độ lan truyền thông tin xúc phạm…Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Như vậy, đối với yêu cầu bồi thường của bà L.T.G có được TAND chấp nhận hay không còn phụ thuộc vào kết quả xác minh hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín mà bà N.P.H đã thực hiện. Đối với trường hợp này, bà L.T.G có trách nhiệm cung cấp hình ảnh, tài liệu chứng minh hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm mà bà H đã thực hiện hoặc nhờ Tòa án thu thập chứng cứ.Về mức bồi thường,Tòa án căn cứ vào những thiệt hại thực tế do hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm mà bà H gây ra để quyết định khoản tiền bồi thường phù hợp.